Thị trường thép Việt Nam từ đầu năm 2016 chịu tác động lớn bởi quyết định áp thuế tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu của Bộ Công Thương. Giá và sản lượng tiêu thụ thép đều tăng mạnh trở lại.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), lượng thép sắt xây dựng tiêu thụ nội địa trong quý I đạt hơn 2 triệu tấn, tăng 56% với cùng kỳ năm ngoái.
Sang tháng 4, các thánh viên VSA tiếp tục bán ra hơn 1,1 triệu tấn thép các loại và xuất khẩu gần 200 nghìn tấn thép. Tổng lượng tiêu thụ tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, giá thép ray tàu cũng tăng mạnh sau khi quyết định áp thuế được công bố hôm 7/3. Tâm lý đầu cơ của các đơn vị thương mại được xem là nguyên nhân chính đẩy giá thép tăng cao.
Mặc dù các nhà sản xuất thép lớn trên thị trường đều đã cam kết không tăng giá nhưng có một thực tế là giá bán ra của các nhà phân phối đều tăng khoảng 15% so với đầu tháng 3.
Số liệu từ một nhà phân phối phía Nam cho thấy: Giá bán bình quân các sản phẩm thép cây mã CB400/ SD390 của Hòa Phát tăng 15,7% từ hôm 7/3 đến 16/5.
Còn tại nhà máy Gang thép Thái Nguyên, giá bán được công bố cũng tăng 14% đối với nhóm sản phẩm tương tự trong khoảng thời gian từ 19/2 đến 10/5.
Giá bán bình quân các sản phẩm thép cây mã CB400/ SD390. Đơn vị: Nghìn đồng/kg
Giá bán bình quân các sản phẩm thép cây mã CB400-V, CB500-V. Đơn vị: Nghìn đồng/kg
Kết quả từ việc tăng giá thép là lợi nhuận của các doanh nghiệp này tăng mạnh so với quý I năm ngoái.
Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận lợi nhuận kinh doanh gần 1.000 tỷ đồng từ mảng thép. Con số này vẫn vượt trội so với các doanh nghiệp khác cùng ngành như Pomina hay Gang thép Thái Nguyên….
Gang thép Thái Nguyên báo cáo lãi 53 tỷ đồng trong quý I, gần bằng cả số lãi năm ngoái công ty này đạt được.
Pomina, doanh nghiệp đang đứng thứ 2 trên thị trường, cũng báo lãi 33 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái công ty này lỗ 34 tỷ.
Tuy nhiên từ quý I, giá nguyên liệu sản xuất thép có dấu hiệu tăng trở lại sau thời gian giảm kéo dài. Điều này sẽ tác động đến lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành từ các quý tiếp theo.
Cụ thể, giá chào phôi thép dao động ở mức khoảng 390 USD/tấn CFR Đông Nam Á, khoảng 60 - 70 USD/tấn so với tháng trước. Còn trong nước, theo VSA, giá phôi thép trong nước hiện đang giao dịch ở mức 9,2-9,3 triệu đồng/tấn so với giá đầu năm khoảng 6,9 triệu đồng/tấn.
Chi phí của các nhà sản xuất thép chắc chắn sẽ tăng, kéo theo việc giá thép thành phẩm bị đẩy lên mặt bằng giá mới trong thời gian tới.
Đăng nhận xét